Trong cuộc đột kích quy mô lớn vào lãnh thổ Israel hôm 7/10,àocảnngănIsraelmởchiếndịchgiảicứucontinởđội tuyển bóng đá quốc gia indonesia lực lượng Hamas không chỉ gây thiệt hại lớn về nhân mạng, mà còn bắt cóc nhiều người đưa về Dải Gaza, trong đó có các công dân nước ngoài.
Quân đội Israel xác nhận ít nhất 203 con tin đang nằm trong tay Hamas và các nhóm vũ trang khác ở Dải Gaza, nhiều khả năng họ đang bị giam trong mạng lưới đường hầm chằng chịt.
Hamas đã công bố video đầu tiên về con tin mà nhóm giam giữ. Người trong video là Mia Schem, 21 tuổi, cô gái Pháp gốc Israel, bị bắt tại lễ hội âm nhạc tổ chức gần Dải Gaza hôm 7/10. Trong video, Schem cho biết cô đã được phẫu thuật tay và cầu xin được trở về nhà. "Làm ơn hãy giúp tôi rời khỏi đây càng nhanh càng tốt", cô nói.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết đã có một số thông tin về địa điểm các con tin bị giam, nhưng cam kết sẽ không mở chiến dịch tấn công có thể đe dọa tới mạng sống của họ.
Lực lượng đặc nhiệm Israel trong quá khứ đã tiến hành nhiều chiến dịch giải cứu con tin táo bạo. Nổi bật nhất là chiến dịch Thunderbolt năm 1976 nhằm giải thoát 106 con tin trên chuyến bay Air France 139, bị một nhóm không tặc người Palestine, Đức khống chế và chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Entebbe, Uganda.
Tổng thống Uganda khi đó là Idi Admin, một người ủng hộ Palestine, đã triển khai lực lượng quân đội quanh sân bay, nhưng là để bảo vệ nhóm không tặc. Tuy vậy, đặc nhiệm Israel vẫn quyết định tiến hành chiến dịch đột kích vào sân bay.
Chiến dịch tấn công khiến chỉ huy Yonatan Netanyahu, anh trai của đương kim Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cùng 4 con tin thiệt mạng, nhưng 102 người trên máy bay được giải cứu an toàn. Toàn bộ 4 tên không tặc và ít nhất 20 lính Uganda đã bị bắn hạ.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định trong trường hợp Israel quyết định mở chiến dịch giải cứu con tin ở Dải Gaza, lực lượng đặc nhiệm nước này sẽ phải đối mặt với thách thức chưa từng có.
"Đây một sự kiện chưa từng xảy ra, khi hơn 200 người đang bị giữ làm lá chắn sống", Jeffrey Feltman, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Cận Đông, nói. "Tôi cũng không nghĩ chính phủ Israel cũng như các đồng minh có nhiều kinh nghiệm trong đối phó với kiểu giam giữ con tin ở Dải Gaza hiện nay".
Theo Tomer Israeli, cựu chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Sayeret Matkal, lực lượng tiến hành chiến dịch Thunderbolt, Israel chưa từng thực hiện phi vụ giải cứu con tin nào từ Dải Gaza, do cộng đồng ở đây có mối quan hệ rất chặt chẽ, gây khó khăn cho việc thâm nhập và thu thập thông tin tình báo.
Thách thức này còn lớn hơn ở thời điểm hiện tại, do Dải Gaza đã trở thành vùng chiến sự. "Tôi sẽ không thể điều hành nhóm đặc vụ ngầm của mình như lúc còn hòa bình được", Israeli nhận định.
Cựu chỉ huy Israel cho rằng đây là một vấn đề lớn, do việc thu thập thông tình báo, đặc biệt là địa điểm con tin bị giam giữ, là "yếu tố cốt lõi" quyết định thành công của bất kỳ chiến dịch giải cứu nào. IDF cho biết đã có một số thông tin về nơi các con tin bị nhốt, song không rõ liệu lực lượng này có biết cụ thể các con tin bị giữ ở đâu hay không.
Trong trường hợp tình báo Israel xác định được vị trí con tin, nhóm Hamas cũng có thể di chuyển họ tới địa điểm khác thông qua mạng lưới đường hầm dày đặc. Các con tin thậm chí có thể bị đưa ra ngoài Dải Gaza qua các đường hầm xuyên biên giới với Ai Cập.
"Một khi có thông tin đáng tin cậy về nơi con tin bị giam giữ, Israel, và cả Mỹ nếu cần thiết, phải hành động ngay lập tức trước khi họ bị chuyển đi. Chúng ta phải luôn sẵn sàng ở hiện trường", một cựu quan chức Mỹ thông thạo vấn đề giải cứu con tin nói với NBC News.
Theo cựu quan chức này, việc Israel mở chiến dịch giải cứu tại Dải Gaza sẽ mang tới nhiều rủi ro cho cả các con tin lẫn nhóm biệt kích. Họ sẽ khó có thể gọi lực lượng hỗ trợ nếu tình hình trở nên xấu đi, cũng như phải đối mặt với bẫy mìn và nguy cơ con tin bị dùng làm lá chắn sống. "Đó sẽ là một chiến dịch khốc liệt", cựu quan chức Mỹ nói.
Israeli cũng cho rằng việc Hamas chiếm được "địa lợi" khiến việc giải cứu con tin gặp nhiều thách thức.
"Không có tòa nhà hay cái cửa nào giống nhau. Chúng được bảo vệ theo nhiều cách khác nhau và chứa đựng nhiều bất ngờ. Nếu kẻ thù biết sáng tạo, họ có thể nghĩ ra nhiều cách để ngăn chặn nỗ lực giải cứu", ông nhận định.
Israeli cho biết biệt kích Israel sẽ không thể sử dụng lựu đạn do có thể gây hại cho con tin. Họ cũng không thể bắn ngay lập tức khi chưa xác định rõ mục tiêu, tạo điều kiện để đối phương có thêm thời gian phản ứng. "Biệt kích Israel phải phân biệt được đâu là kẻ thù và đâu là dân thường", ông cho biết.
Để tránh rủi ro, Israel có thể tính tới phương án an toàn hơn là chấp nhận đàm phán trao đổi tù nhân lấy con tin với Hamas. Lực lượng này trước đó tuyên bố sẽ trả tự do cho các con tin nếu Israel trao trả 5.200 tù nhân Palestine mà Tel Aviv đang giam giữ.
Trong quá khứ, Israel từng chấp nhận các cuộc trao đổi tù nhân như vậy. Năm 2021, Tel Aviv đồng ý trao trả 1.027 tù nhân cho Hamas chỉ để đổi lấy một binh sĩ Israel bị bắt.
Tuy nhiên, phương án này sẽ không khả thi nếu Israel quyết định mở chiến dịch tấn công trên bộ vào Dải Gaza. Seth Jones, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), lo ngại rằng vấn đề con tin sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch tiến hành chiến dịch tấn công của Israel.
"Khi các nhà hoạch định và giới chỉ huy quân sự Israel tin rằng đã tới lúc triển khai chiến dịch, tôi nghĩ họ sẽ thực hiện nó bất chấp tình hình con tin thế nào", ông nêu quan điểm.
Giới chuyên gia nhận định các bên có thể vẫn còn thời gian để đàm phán trước khi Israel phát động chiến dịch trên bộ. Nhưng thời gian này nhiều khả năng sắp cạn, khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố các binh sĩ nước này sẽ sớm có mặt bên trong Dải Gaza.
Phạm Giang(Theo NBC News, Daily Beast, Drive)